Giá gạo ở Philippines tăng liên tục trong sáu tháng liền kể từ đầu năm nay khiến người dân nước này điêu đứng, báo Phil Star của Philippines ngày 9-6 đưa tin.
Một quầy bán gạo ở chợ Kamuning, Manila, Philippines - Ảnh: Reuters
Theo Phil Star, ngày 8-6, Hội đồng thương mại Philippines đã phê phán những người chịu trách nhiệm về kinh tế của chính phủ về sự thiếu nhạy cảm và thất bại trong việc triển khai chương trình chống nghèo đói mà chính quyền Tổng thống Duterte đề ra.
Hội đồng tố cáo các lãnh đạo kinh tế đã "thiếu thận trọng và phán đoán trong việc lập kế hoạch" cùng với "dự báo sai hậu quả của việc cải tổ thuế ở Philippines".
Liên tục tăng giá
Thay vì cải thiện cuộc sống, giảm nghèo như những cam kết thay đổi mà chính quyền hứa hẹn, giá cả các hàng hóa thiết yếu đã tăng chóng mặt, ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn của người nghèo. Những người nghèo nhất lại là những người bị "trúng đòn" nặng nhất, vì bữa ăn của họ bị teo tóp.
"Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Duterte đưa ra kế hoạch cụ thể làm giảm giá hàng hóa, tăng chất lượng cuộc sống, quan tâm mọi tầng lớp nhân dân, giải quyết nhu cầu của chúng ta về mức tiền lương có thể sống sót và không ai bị bỏ lại phía sau" - ông Luis Corral, phó chủ tịch Hội đồng thương mại Philippines, nói.
Dự kiến nguồn gạo nhập khẩu từ nước ngoài sẽ cập cảng trong tuần sau và giá gạo có thể ổn định trở lại trong tháng 6.
Theo Cơ quan thống kê quốc gia Philippines, giá gạo ở nước này đã tăng thêm 10% vào tháng 6, tiếp tục xu hướng tăng giá từ nửa năm qua. Mức tăng giá khoảng 0,4% mỗi tuần.
Giá bán sỉ trung bình của gạo trắng đã tăng 7% so với năm trước, mỗi tuần tăng ít nhất 0,12%. Mức giá hiện tại là 41,35 peso một ký (18.000 đồng). Giá bán lẻ gạo trung bình là 44,11 peso (19.200 đồng), tăng 6% so với năm 2017.
Cơ quan này cũng cho biết dự trữ gạo của Philippines năm nay thấp hơn năm trước 18%, chỉ đạt 2,18 triệu tấn ở thời điểm tháng 4-2018.
Thiếu đất, thiếu nước, thiếu nông dân
Trả lời phỏng vấn từ xa của Tuổi Trẻ, một nhóm công dân lớn tuổi thuộc nhiều ngành nghề ở Philippines cho biết Philippines không có chủ trương trồng lúa gạo trong nước vì nhiều lý do.
Bà Odess Rivera, kinh doanh khách sạn, cho biết diện tích đất trồng lúa ở Philippines rất ít. Một số bị chuyển đổi thành đất ở, nên diện tích này đã ít lại còn ít hơn. Nông dân cũng không thể trồng lúa nhiều vụ quanh năm do thiếu hệ thống thủy lợi và thiếu nước.
Chị Ztril Utoy Ill - cựu y tá, nay làm việc cho công ty về IT của gia đình - bổ sung: "Philippines giờ đây rất thiếu nông dân vì chẳng ai thích làm nông dân. Nghề nông không còn hấp dẫn so với các nghề khác, kể cả làm công nhân trong nhà máy, xí nghiệp.
Thế hệ "thiên niên kỷ" thích cuộc sống ở đô thị, công việc trong các nhà máy hoặc làm nhân viên văn phòng hơn".
Ông Maximo Plete, giáo viên đã về hưu, cho rằng "nông dân ở Philippines sở hữu những mảnh đất nhỏ, manh mún, khiến việc sản xuất lớn nhờ sự hỗ trợ của máy móc cơ giới là điều bất khả thi. Chính quyền cũng không có bất kỳ trợ cấp nào cho nông dân.
Giá cả đầu vào cho dụng cụ sản xuất, phân, thuốc, giống, vận chuyển... Thì cao, trong khi giá lúa lại thấp. Nông dân trồng lúa không có lãi. Vì vậy, nhập khẩu lúa gạo là phương án tối ưu hơn trồng lúa tại chỗ đối với Philippines".
Ông Maximo cho biết thêm con cái của các gia đình nông dân không muốn theo nghề nông khi trưởng thành. Họ chọn những nghề khác để hướng tới các công việc ở thành phố lớn, nơi họ mong muốn có được thu nhập tốt hơn so với ở quê nhà.
Thành phố Batangas, nơi ông Maximo sinh sống, không xa thủ đô Manila, người dân ở đây từng trồng lúa, nhưng giờ đã chuyển sang trồng mía do thu nhập từ mía tốt hơn.