Việc ứng dụng mô hình tiên tiến trong chăn nuôi bò sữa của nhóm nghiên cứu thuộc đơn vị Phân viện chăn nuôi Nam bộ nhằm mong muốn nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất để đem lại lợi nhuận, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Thống kê cho thấy, sản lượng sữa của cả nước có tốc độ tăng trưởng rất cao, chỉ trong vòng 8 năm trở lại đây đã tăng cao gấp 3 lần, trong khi đó ở TP.HCM chỉ tăng gấp 1,5 lần. Điều này cho thấy ngành chăn nuôi bò sữa của TP.HCM chưa có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.
Có nhiều yếu tố tác động lên nhưng nguyên nhân chủ quan là đến từ những người chăn nuôi bò sữa.
Quá trình tìm hiểu thực tế của nhóm nghiên cứu thuộc đơn vị Phân viện chăn nuôi Nam bộ cho thấy, người chăn nuôi bò sữa chưa tiếp cận nhiều với các kiến thức về khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, chăn nuôi vẫn theo hình thức truyền thống, thủ công dẫn đến hiệu quả chăn nuôi chưa cao.
Xuất phát từ thực tế trên, với mong muốn nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất để đem lại lợi nhuận, hiệu quả và bảo vệ môi trường cho người chăn nuôi bò sữa, ThS. Lê Bá Chung cùng nhóm cộng sự tại đơn vị Phân viện chăn nuôi Nam bộ đã xây dựng đề tài Xây dựng mô hình chăn nuôi tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm ảnh hưởng đến môi trường trong chăn nuôi bò sữa tại TP.HCM.
Đại diện nhóm tác giả, ThS. Lê Bá Chung cho biết, nhóm triển khai dự án theo hai hướng chính, đó là: nâng cao năng suất sữa và tiết kiệm chi phí sản xuất kết hợp bảo vệ môi trường.
Trong đó, việc nâng cao năng suất sữa bao gồm xây dựng khẩu phần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bò. Kế đến là đầu tư hệ thống phun sương, quạt gió nhằm giảm ảnh hưởng của yếu tố sốc nhiệt (stress nhiệt) lên bò.
Thực tế, vào những lúc nắng nóng, nhất là buổi trưa, bò thường hay bị stress nhiệt tạo ra tâm lý căng thẳng, mệt mỏi dẫn đến giảm năng suất sữa. Kế đến là tiết kiệm chi phí sản xuất kết hợp bảo vệ môi trường, bao gồm việc xây dựng hệ thống biogas, giúp tiết kiệm tiền đun nấu, giảm ô nhiễm môi trường và xây dựng hố ủ phân nhằm tạo ra nguồn phân hữu cơ sạch, tiết kiệm tiền phân bón hoặc có thêm thu nhập từ việc bán phân. Hố ủ phân được sử dụng song song với hệ thống biogas.
Đánh giá về tính ứng dụng của đề tài, ThS. Lê Bá Chung đánh giá, mô hình có tính ứng dụng rất cao vào thực tế đối với các hộ chăn nuôi bò sữa, vì có thể giải quyết những vấn đề khó khăn mà người dân đang gặp phải. Với biogas, phun sương, hố ủ phân là những công nghệ đã có từ lâu nên mọi nhà có thể tự xây dựng và lắp đặt. Cái mới của dự án là tạo file tính được khẩu phần ăn phù hợp với từng hộ gia đình chăn nuôi bò sữa và biết lồng ghép những công nghệ đã được nghiên cứu vào sản xuất để nâng cao hiệu quả cho việc chăn nuôi bò sữa.
Về mặt hiệu quả kinh tế, việc ứng dụng mô hình giúp nâng cao năng suất sữa, tiết kiệm chi phí đun nấu, tiết kiệm chi phí phân bón, nâng cao thể trạng của đàn bò sữa (giảm chi phí thú y, nâng cao khả năng sinh sản).
Về hiệu quả xã hội, việc ứng dụng mô hình đã thúc đẩy sự phát triển trong ngành chăn nuôi bò sữa tại Củ Chi, bước đầu hướng người dân chăn nuôi bò sữa phát triển theo hướng áp dụng khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện dự án đã xây dựng thí điểm 3 mô hình trình diễn ở 3 hộ chăn nuôi bò sữa tại 3 xã: Tân Thông Hội, Tân Thạnh Tây, Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi, TP.HCM).
Về hướng nghiên cứu tiếp theo, nhóm tác giả đang xây dựng nghiên cứu về một số công nghệ tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao vào phục vụ trong sản xuất của ngành chăn nuôi.