Cuộc chiến tranh quyền tại Eximbank được cho là sẽ còn kịch tính đến phút chót do không bên nào chịu thoả hiệp và chỉ kết thúc khi đôi bên phân thắng bại.
Mâu thuẫn nội bộ kéo dài nhiều năm giữa các nhóm cổ đông chính là nguyên nhân khiến các kỳ họp đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) không thể diễn ra. Cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 26/4 cũng tiếp tục phải huỷ bỏ các bên không thống nhất thông qua quy chế đại hội.
Đáng chú ý, nếu như tỷ lệ tham dự tại các đại hội trước đây là rất thấp (mặc dù có đến hàng trăm cổ đông cá nhân tham dự), thì tại đại hội vừa qua, dù chỉ có 95 cổ đông tham dự nhưng tỷ lệ sở hữu lên đến 94,51% cổ phần có quyền biểu quyết.
Điều này cho thấy, cơ cấu cổ đông EIB đã có sự tập trung về số ít các cá nhân, tổ chức. Diễn biến giá cổ phiếu EIB trên sàn HOSE liên tục tăng trước thềm đại hội cũng cho thấy sự cạnh tranh mua gom cổ phiếu của các bên vẫn đang âm thầm diễn ra.
Cho đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu EIB vẫn tiếp tục đà tăng mạnh đi cùng với nhiều đồn đoán liên quan đến việc các nhóm cổ đông quyết nắm quyền chi phối lá phiếu để nắm quyền điều hành ngân hàng.
Một số thông tin còn cho rằng các nhà đầu tư đang thuyết phục hai cổ đông ngoại là Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và Quỹ VOF do Vinacapital quản lý chuyển nhượng phần vốn tương ứng tỷ lệ 20% cổ phần.
Nhân tố mới cùng chiến tuyến với nhóm Nam Á Bank
Dù không chính thức, vấn đề căng thẳng về nhân sự cấp cao tại Eximbank phần nào cho thấy "hai bên chiến tuyến" đã được phân định khi hai nhóm cổ đông lớn tiếp tục kiến nghị miễm nhiệm 8/9 thành viên HĐQT Eximbank theo hướng đối nghịch nhau.
Cụ thể, ngày 19/4, HĐQT Eximbank nhận được văn bản kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của bà Kiều Vũ Thuỵ Uyên, đại diện theo uỷ quyền của nhóm cổ đông gồm CTCP Rồng Ngọc, CTCP Đầu tư và dịch vụ Helios, CTCP Thắng Phương, bà Thái Thị Mỹ Sang và bà Lưu Như Trân (chiếm 10,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank).