Việt Nam đang tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao như các ngành sản xuất thiết bị công nghệ cao, các cơ sở nghiên cứu, trung tâm dữ liệu, kho lạnh công nghiệp.
Theo đánh giá của Savills, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam hiện tại có những trầm lắng so với thời điểm quý II/2020, tuy nhiên sự quan tâm của các nhà đầu tư với thị trường này vẫn rất lớn. Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng của thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Xu hướng chuyển dịch sang các ngành công nghệ cao
Thị trường công nghiệp tại Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi từ các ngành công nghiệp giá trị thấp, sử dụng số lượng nhân công lớn với kỹ năng thấp sang các ngành công nghiệp có giá trị cao với lao động có kỹ năng và trình độ cao hơn.
Trước đây, Việt Nam thường tập trung thu hút các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng giá trị thấp như dệt may hoặc đồ nội thất. Song, với các định hướng mới của Chính phủ, thị trường đang tập trung nhiều hơn vào việc thu hút các doanh nghiệp sản xuất giá trị cao hoặc các loại hình bất động sản công nghiệp mới, bao gồm các ngành sản xuất thiết bị công nghệ cao, các cơ sở nghiên cứu, trung tâm dữ liệu, kho lạnh công nghiệp.
"Trên thực tế, khi các chi phí thuê bất động sản tăng cao, số lượng doanh nghiệp trong các ngành sản xuất với tỷ suất lợi nhuận thấp sẽ giảm xuống. Những công xưởng sản xuất da giày và thời trang lớn với quy mô 10.000 công nhân sẽ dần di chuyển tới những khu vực xa hơn nơi chi phí thấp hơn, thậm chí có thể là các nước lân cận như Campuchia hay Myanmar. Trong khi đó, các nhà phát triển hiện tại Việt Nam hiện nay đang tập trung nhiều hơn vào việc thu hút các nhà sản xuất giá trị cao, đơn cử như lĩnh vực linh kiện điện tử hoặc ô tô từ Châu Âu và Mỹ", ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp Việt Nam nhận định.